Cửu diệu phù

Học trò An có hỏi 1 câu hỏi hay và khá phổ biến về sự phổ biến của lạc thư tại các nền văn minh ngoài Trung Quốc thì như thế nào?
Thường thì mọi người vẫn nghĩ lạc thư hay hà đồ chỉ xuất hiện tại Trung Quốc, tuy nhiên qua những gì mà tôi tìm hiểu, chúng xuất hiện ở mọi nền văn minh khác, bài này tập trung vào cách vận hành lạc thư ở Ấn Độ mà tôi lấy ví dụ đặc trưng từ phân tích cửu diệu phù của người ấn.
Hệ thống của cửu diệu phù nhìn chung khá giống với huyền không phi tinh, khi trong huyền không phi tinh chia làm 9 vận và các vận không phải số 5 như vận 8 thì số 8 nằm ở trung cung và phi tinh theo lường thiên xích để phủ kín ma phương 3×3. Vấn đề ở đây là với các ma phương 3×3, mà vẫn phải tuân theo nguyên tắc đi theo đường lường thiên xích, thì với các con số trung tâm khác 5 thì bao giờ tổng hàng ngang, dọc, chéo sẽ có 1 tham số bị sai khác với phần còn lại, và giá trị sai khác sẽ = 9 và do đó gọi là các ma phương không hoàn hảo. Ở đây, chúng ta sẽ thấy con đường của việc sử dụng các ma phương không hoàn hảo chia làm 2 nhánh:
+Nhánh 1 giống như huyền không phi tinh đã rất phổ biến ở Việt Nam và nhiều người sử dụng, là tiếp tục sử dụng các ma phương không hoàn hảo đó để sử dụng cho tính toán về vận, v.v. sách viết nhiều rồi tôi không đề cập nữa.
+Nhánh 2 là cửu diệu phù của người Ấn, họ có 1 phương pháp rất tài tình để chuyển các ma phương không hoàn hảo thành hoàn hảo, và đây là điều bắt buộc, tiên quyết để sử dụng các pháp mà số trung tâm của ma phương không phải số 5. Và qua việc phân tích vài bước toán học đơn giản, họ sử dụng hệ thống này để sử dụng cho các pháp hệ thiên, đôi khi nói theo dân gian là cúng sao, đôi khi là dán phù kết hợp với việc đã phân tích lá số của những người trong nhà, đại loại phần ứng dụng là vậy tôi không quan tâm lắm đến phần này mà chỉ tập trung vào bản chất toán học trong cửu diệu phù mà thôi.
Bản chất là: với điều kiện của 1 ma phương hoàn hảo cần có hàng dọc, hàng ngang, hàng chéo cộng lại phải bằng nhau. 1 đường chéo khi modulus 9 phải tạo ra tổ hợp 147,258,369; và điều kiện cuối cùng là 1 đường chéo có số tăng dần của số tự nhiên.
Bước 1: Xác định số trung tâm
Với các ma phương có số trung tâm khác 5, chỉ có thể có 9 số là thỏa mãn điều kiện như trên bao gồm các số: 5,6,7,8,9,10,11,12,13. Các ảnh bên dưới tôi tính toán thử với số 1,2,3,4 là số trung tâm, và chúng đều có sự khác biệt về tổng của hàng ngang, dọc, chéo do đó không thể có các số trung tâm 1,2,3,4 và các số >14 được.
Bước 2: Trong cửu diệu phù, chúng ta nhận thấy từ số trung tâm( trừ số 5), các số còn lại chạy theo thứ tự giảm dần và đi về phía của quái Càn, và bao giờ cũng vậy, điều quan trọng cốt lõi là tại vị trí của quái Khảm, các số tại ví trí này bao giờ cũng phải chuyển- theo ngôn ngữ toán thì gọi là đảo ngược modulus 9, theo ngôn ngữ của huyền thuật ứng với con người thì đó là sự thay đổi về vận, về nghiệp, về hạn- tức là 1 bước chuyển lớn trong cuộc đời có thể là tốt lên hoặc xấu đi rõ nét. Ví dụ: số 3 = 12 vì 1+2 =3; số 4 =13 vì 1+3=4; lưu ý cho là trong các môn huyền thuật, kỹ thuật tính toán modulus và đảo ngược modulus sử dụng vô cùng nhiều. Và chỉ nhờ phương pháp đơn giản này tại đúng quái cần chuyển, tất cả các ma phương không hoàn hảo với số trung tâm khác 5 thì nay trở thành ma phương hoàn hảo, và người Ấn gom góp tất cả 9 trường hợp này lại để tạo thành 1 loại phù cửu diệu- hay hợp lực của 9 hành tinh gồm mặt trời, mặt trăng, sao mộc, sao thổ, sao thủy, sao hỏa, sao kim, kế đô và la hầu.
Bước 3: Quy luật sắp xếp của cửu tinh
Xét về mặt toán học, sự sắp xếp diễn ra theo chiều ngang có nhiều ý nghĩa hơn sự sắp xếp theo chiều dọc. Nếu xét tổng hàng ngang trong mỗi ma phương 3×3, ta sẽ thấy sự xuất hiện của cặp số 3,6,9 (khi modulus 9). Còn khi xét số hiển thị khi tính tổng các hàng ngang của cả 3 ma phương 3×3 sẽ tương ứng: 72 khi thủy tinh, kim tinh và mặt trăng xếp ở vị trí trên cùng. 63 khi mộc tinh, mặt trời và hỏa tinh xếp ở giữa, và 108 với thổ tinh, la hầu và kế đô ở dưới đáy. Bản thân nếu như các bạn học chiêm tinh, cũng nhận ra 1 cách tương đối là những sao xếp trên cùng đa số trường hợp cách cục sẽ là cát tinh; ở giữa là có cát có hung; và ở dưới cùng đa số là hung tinh.
Bước 4: Khi modulus 9 tạo ra được ma phương cơ bản và hoàn hảo, chúng ta sẽ lại phải sử dụng modulus 10 để tìm ra bản tính của 4 hành xoáy trộn bên trong mỗi pha phương. Với ma phương chuẩn chỉnh như lạc thư chúng ta thấy tứ đại đất nước gió lửa xoáy quanh hành không; nhưng với ma phương không phải số 5 ở giữa, ta sẽ thấy tổ hợp số 5 10 sẽ xuất hiện tại 1 cánh của ma phương, với vai trò giống hệt như các đại còn lại, ví dụ khi ta nhìn vào ảnh 2, vào vị trí của ma phương thủy tinh, số 8 ở giữa, cặp số 3-8 bị cắt đứt số 3, số nào đã ở trung tâm thì mất số ghép cặp sinh – thành của nó, các cặp số còn lại 1 6,2 7,4 9, 5 10 tiếp tục xoáy vần quanh số 8 trung tâm. Điều tương tự lặp lại với tất cả 7 cửu tinh còn lại. Cho nên, trong bất cứ một ma phương nào, miễn là hoàn hảo bất kể số ở giữa không phải số 5, thì ta đều thấy bóng dáng của cả hà đồ và lạc thư trong đấy. Như 1 câu đúc kết tôi đã nói nhiều năm về trước khi nhắc về hà đồ lạc thư: hà đồ 10 số thì mod 9, lạc thư 9 số thì mod 10.
Bước 5: Khi toán học đã phân tích xong, chúng ta nhận thấy có chút niềm tin về cấu trúc của các pháp mà người xưa đã để lại, toán học rất hay nhưng khó nhớ, do đó, khi toán đã xong nhiệm vụ của nó là tạo ra cấu trúc của 1 pháp, thì phần đắp thịt tạo ra cái hồn của pháp đó nó đến từ văn hóa, nghệ thuật, tâm linh. Trong hình ảnh đầu tiên của cửu diệu phù, chúng ta nhìn thấy các biểu tượng symbol: kế đô là cờ, la hầu là phướn, sao thổ là cánh cung, sao mộc là hình vuông, sao hỏa là hình tam giác ngọn lửa, mặt trời tỏa nắng ở chính giữa, thủy tinh là mũi tên của trí tuệ, kim tinh là phước lành của ngôi sao 6 cánh, mặt trăng là hình tròn biểu tượng cho tính âm, bình của tâm trí. Kết hợp lại với các con số được thể hiện ở bên trong các biểu tượng. Tạo ra 1 loại phù duy nhất có thể kết hợp được cửu tinh vốn là 9 hành tinh riêng biệt tụ hợp vào nhau mà không phá nhau.
Mục đích của bài viết này không chỉ để trả lời cho câu hỏi của bạn An, mà thực ra vẫn là mục đích mà tôi luôn luôn hướng tới, là tìm những điểm hòa đồng của vạn pháp từ những nơi rất xa nhau nhưng đều tựu lại có những điểm giống nhau về mặt bản chất. Chỉ có hiện tại, huyền thuật mới bị phân ra theo nước này nước kia, còn bản chất từ xa xưa, huyền thuật chẳng bị phân ra theo bất kỳ điều kiện gì, môn của vệ đà cũng giống như môn của phương tây, môn phương tây cũng giống như môn của ai cập, và môn của ai cập thì cũng giống như môn của trung quốc vậy.
Please follow and like us:

Viết một bình luận