Môi trường và phong thủy địa mạch (P1)

Sự phá hủy môi trường sống khiến chất lượng cuộc sống của chúng ta ngày càng suy giảm mà đến hiện này thì ngày càng nhiều người nhận ra hậu quả của nó. Tôi nhận thấy môi trường bị ô nhiễm không những ảnh hưởng đến những chỉ số có thể đo đếm như ô nhiễm nước, ô nhiễm đất, hay không khí mà nó còn ảnh hưởng đến những giá trị không thể đo đếm được khác như về phong thủy, về năng lượng của các mạch đất. Tuy nhiên, tại bài mở đầu này, tôi chỉ nói hết sức tóm tắt về cơ chế của các thông số có thể đo đạc được, 1 trong những cơ chế quan trọng đầu tiên phải nhắc đến là thạch tín (asen) bởi nó không màu, không mùi không vị nhưng là chất kịch độc, được lan truyền bởi chất liệu không thể thiếu là môi trường nước và tiếp theo là nó là chất độc bị phân tán mạnh theo sự khai thác nước, khoan giếng của mọi người.
Ô nhiễm arsen bắt đầu nhen nhóm nghiên cứu từ năm 1983 khi mà tại bang Tây Bengal của Ấn Độ người ta đã phát hiện trên 200.000 ca nhiễm độc và trên một triệu người đang nằm trong vùng bị phơi nhiễm. Tại Bangladesh, một quốc gia đứng đầu về số lượng giếng khoan bơm tay của khu vực Châu Á, từ năm 1993 sự nhiễm độc nước giếng do asen càng được lớn và tới nay đã có khoảng 35 đến 77 triệu người có nguy cơ bị nhiễm độc. Tổ chức y tế thế giới mô tả sự kiện này là “một thảm họa môi trường lớn nhất từ trước tới nay”. Với đặc điểm địa chất rất giống với vùng đồng bằng Bangladesh, đồng bằng sông hồng cũng nằm trong khu vực bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm asen do tính chất tự nhiên có nguồn gốc từ đá gốc vùng Himalaya, nơi các trầm tích có chứa asen tự nhiên được vận chuyển xuống các lưu vực sông ở hạ lưu đông dân cư bên dưới.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 21,5% dân số Việt Nam (tương đương với 17,2 triệu người) đang sử dụng nguồn nước ăn từ nước giếng khoan, đây là nguồn nước dễ bị nhiễm asen.
Có thể tóm tắt rằng Asen có 2 dạng tồn tại chủ yếu là ở vùng núi và vùng đồng bằng.
1. Dạng tồn tại của Asen ở vùng núi
Tại vùng núi, asen nằm trong đá và các mỏ quặng nhiệt dịch mà chủ yếu dưới dạng các khoáng vật như: arsenopyrit (FeAsS), chu sa, thần sa, hùng hoàng v.v. Như ở nước ta, các mỏ quặng nhiệt dịch đặc trưng của vùng Tây Bắc cũng là nguồn phát tán Asen. Theo thời gian, các hoạt động phong hóa diễn ra khiến các đá gốc bị phong hóa thành đất, một phần asen bị rửa lũa và chảy xuống theo dòng nước để đến hạ lưu nhưng vẫn giữ lại phần lớn Asen.
Những nguyên nhân gây tăng ô nhiễm asen:
– xáo trộn các tầng đất do hoạt động xây dựng, khai thác quặng, khoan giếng tại vùng đất có chứa nhiều khoáng vật arsernopyrit khiến cho arsernopyrite bị oxy hóa; asen bị phát tán mạnh vào môi trường.
– Thời tiết trong giai đoạn nắng to sau đó mưa lớn cũng khiến xuất hiện khí có thành phần là hợp chất asen và các dạng khí khác mà dân gian gọi là chướng khí, đặc biệt khi vùng đó có hệ thống đứt gãy dày đặc và gần sát bề mặt đất. Các khu vực dân cư nằm trên các đới khoáng hóa quặng nhiệt dịch có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn khi trong giai đoạn thời tiết này.
2. Dạng tồn tại của Asen ở vùng đồng bằng
Tại vùng đồng bằng, hệ thống nước ngầm và đặc tính của loại đất chiếm 1 vai trò quan trọng. Hệ thống nước ngầm gồm tầng chứa nước Holocen (tầng trên) và tầng chứa nước Pleistocen (tầng dưới).
Thành phần thạch học chủ yếu của tầng chứa nước này là cát, cát pha, sét pha với độ sâu phân bố từ khoảng 16 – 25m chiều dày thay đổi từ 0 -15,5m trung bình 14,0m. Mực nước tĩnh thay đổi từ 0,5 – 4m.
Tầng chứa nước Pleistocen (tầng dưới) có thành phần thạch học chủ yếu của tầng này gồm cát, sạn, cuội sỏi với bề dày thay đổi trong phạm vi khá lớn từ 9,97 – 30,8m ở phía bắc đến 35 – 45m, có nơi trên 60m ở phía Nam đồng bằng sông hồng.
Tầng chứa nước Holocen(tầng trên) đo được thường có độ ô nhiễm cao hơn so với tầng chứa nước Pleistocen sạch hơn ở dưới.
Những nguyên nhân gây tăng độ ô nhiễm Asen tại vùng đồng bằng:
– Việc khai thác nước ngầm quá mức khiến mực nước ngầm bị hạ, khiến cho môi trường oxy – môi trường khử vốn tồn tại hàng nghìn năm bị thay đổi quá đột ngột sẽ làm tăng lượng Asen bị phát tán vào nước ngầm.
– Khoan quá nhiều giếng khoan khiến cho lượng nước bị nhiễm asen nặng thấm vào tầng nước sạch Pleistocen bên dưới; sau khi giếng không sử dụng nữa lại không có biện pháp lấp giếng đúng tiêu chuẩn nên nước từ tầng nước bẩn phía trên mãi mãi ngấm xuống dưới. Đôi khi tôi thấy nhiều hộ dân lấp giếng chỉ bằng cách làm đúng cái nắp bê tông đậy lại miệng giếng.
– chỉ trừ 1 số vùng đất đặc biệt như vùng đá ong có hàm lượng sắt cao, nhôm ít thì hiện tượng ô nhiễm lan vào các tầng nước sạch giảm bớt.
– Than bùn giàu vật chất hữu cơ là các vật liệu hấp phụ asen và các kim loại nặng khác, khi khai thác, cày xới lên thì nó phát tán trả lại môi trường.
3. Cơ chế tạo thành và lắng đọng Asen
– Arsenopyrit là khoáng vật sulfur có As và Fe: FeAsS khi phơi lộ ra không khí ẩm, nó nhanh chóng bị oxy hoá tạo thành hợp chất arsenat:
– 4FeAsS + 13O2 + 6H2O  4 FeSO4 + 4H3SO4
– Arsenat trong môi trường tự nhiên dễ dàng chuyển hoá thành H2AsO4-2 và HAsO3- di chuyển trong nước, hấp thụ vào trong đất, trong bùn và thực vật.
4. Cách để giảm ảnh hưởng do Asen gây ra
– Ý thức trong bảo vệ tài nguyên nước cần phải được thay đổi, chúng ta dùng nước cần phải ý thức được những hệ quả của việc dùng lãng phí. Với những công trình khoan giếng phục vụ trong sinh hoạt, chúng ta cần tuân thủ đúng các quy tắc lấp giếng để đảm bảo không để nước tầng trên chảy xuống tầng dưới.
– Ý thức trong vấn đề bảo vệ tài nguyên đất, quặng; khi khai thác tức chúng ta làm xáo trộn môi trường của đất, quặng, từ môi trường khử (nằm sâu trong lòng đất) thành môi trường oxy hóa (lộ ra không khí) do đó chí ít khai thác xong cũng cần phủ lại thảm thực vật để trả lại môi trường khử cho môi trường đất.
– Phần lớn các nhà máy nước có cơ chế lọc Asen hiệu quả, gồm quy trình dẫn nước bề mặt, nước dưới đất qua dàn phun và lọc qua bể lọc gồm sỏi, cát thông thường, do quá trình khử sắt trong nước cũng khử phần lớn Asen trong nước nên người dân ở những vùng dùng nước giếng khoan nên chuyển sang dùng nước máy để ăn uống.
– 1 góc nhìn khá thú vị rằng khi thống kê, một số tác giả nhận định rằng đặc tính di truyền của người Việt có cơ chế chống chịu tốt hơn với nồng độ Asen so với các dân tộc khác ở Bangladesh có lẽ là liên quan đến lịch sử lâu đời sống trong môi trường rừng nhiệt đới.
——————————–
– Bàn thêm về cơ chế, việc chúng ta đào xới, khoan giếng làm thay đổi môi trường oxy hóa- khử của đất cũng giống như trong dân gian gọi là động mạch đất; nó có gây ra những biến động về mặt năng lượng với mạch đất đó với nguyên nhân cơ học (thay đổi trật tự của các lớp đất, cái dễ nhìn nhận, dễ phát hiện) và nguyên nhân hóa học (nước bị thay đổi tính chất, cái khó phát hiện ra) do đó nó để lại hậu quả ngắn hạn và dài hạn không thể suy đoán được về phong thủy 1 ngôi nhà. Ví dụ: Nhà tôi có thể không làm gì cả, nhưng 1 nhà khác gần đó động chạm đến 1 mạch nước mà đi qua nhà tôi thì tôi vẫn bị ảnh hưởng. Với 1 quy mô lớn hơn, làng xóm ở vùng thượng lưu phá đất thì ảnh hưởng đến làng bên cạnh ở vùng hạ lưu. Vùng núi khai thác mỏ nhiều nhưng không hoàn thổ thì ảnh hưởng đến vùng đồng bằng đông dân cư bên dưới. v.v.
——————–
Tài liệu tham khảo:
1. NGUY CƠ Ô NHIỄM ARSEN TRONG MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN Ở VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP PHÒNG NGỪA. ĐẶNG VĂN CAN, ĐỖ TRỌNG SỰ và nnk
2. PGS. TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa – Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội)
3. Cơ chế làm chậm sự di chuyển của asen qua tầng chứa nước sâu Pleistocene” gồm Alexander van Geen, Benjamın C. Bostick, Phạm Thị Kim Trang và nnk
Please follow and like us:

Viết một bình luận