Sách “Địa chất trầm tích Việt Nam” của GS.TS.NGND Trần Nghi

Trầm tích học nói lên rất nhiều điều về phong thủy loan đầu. Nó nghiên cứu về động lực phân dị, vận chuyển và lắng đọng trầm tích do các tác nhân nội ngoại sinh khác nhau, nên quy luật của trầm tích phản ánh được đặc điểm động lực chính yếu của vùng đất đó trong quá khứ, ở hiện tại và cả quy luật trong tương lai- do đó trầm tích đóng vai trò cốt tử để hiểu rõ 1 vùng đất như thế nào. Nếu như việc am hiểu các bộ môn magma, kiến tạo sẽ giúp chúng ta hiểu quy luật tạo núi- tạo sơn, thì trầm tích giúp chúng ta hiểu quy luật thành tạo các dải đất theo động lực của sông- thủy; trầm tích học lại có ứng dụng lớn hơn trong phong thủy bởi diện tích phủ bề mặt có đá trầm tích là lớn hơn so với đá gốc, và con người cũng sống nhiều hơn ở các vùng đồng bằng. Bộ môn này thật sự không thể thiếu trong quá trình nghiên cứu phong thủy đối với cá nhân tôi. Và người thầy có công sức lớn nhất đã dẫn dắt trong bộ môn này là người thầy lớn của tôi: Giáo sư Tiến sĩ Trần Nghi

Giáo sư Tiến sĩ Trần Nghi là người thầy đã dậy dỗ và truyền cảm hứng rất lớn cho niềm đam mê về đất đá, địa chất của tôi. Thầy là nhà khoa học lớn có nhiều đóng góp về tri thức cho nền địa chất nước nhà với nhiều công trình nghiên cứu, bài báo cũng như sách giáo trình trong nghành mà 1 trong số đó là cuốn sách dưới đây các bạn có thể đặt mua:

http://press.vnu.edu.vn/index.php/product/dia-chat-tram-tich-viet-nam/

Mô tả

Cuốn sách “Địa chất trầm tích Việt Nam” của GS.TS.NGND Trần Nghi đã giới thiệu những kết quả nghiên cứu chọn lọc của tác giả hơn 40 năm trở lại đây. Những kết quả này được tích hợp thành những nguyên lý, công thức lý thuyết và các hệ số trầm tích định lượng góp phần hoàn thiện và khắc phục những tồn tại trong nghiên cứu trầm tích luận của thế giới. Các hệ số đó đã và đang được các nhà nghiên cứu, học viên cao học và nghiên cứu sinh sử dụng một cách có hiệu quả trong lĩnh vực trầm tích dầu khí và trầm tích Đệ Tứ ở Việt Nam.

Những điểm nhấn hết sức ấn tượng của công trình phải được kể đến là:

– Tác giả đã minh giải môi trường trầm tích khác nhau của các đá có tuổi cổ đến trầm tích hiện đại cả trên đất liền và dưới thềm lục địa Việt Nam. Các môi trường khác nhau từ lục địa, ven biển, cồn cát ven biển hiện đại đến môi trường biển nông, vũng vịnh và biển sâu được minh họa một cách sinh động bởi các kiểu cấu tạo của đá trầm tích ngoài trời, kiến trúc và thành phần khoáng vật trên lát mỏng thạch học do chính tác giả đi khảo sát, chụp ảnh ngoài thực địa và tự nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.

– Từ mối quan hệ giữa trầm tích và kiến tạo, theo nguyên lý chu kỳ Wilson, tác giả đã giải thích cơ chế hình thành các bể Kainozoi trên thềm lục địa Việt Nam là sụt lún nhiệt có chu kỳ và không tách giãn. Đây là một ý tưởng mới sáng tạo của GS. Trần Nghi cần được ủng hộ, động viên và khích lệ để tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện nó như một chủ thuyết của trường phái nghiên cứu phân tích bể trầm tích của Việt Nam.

– Cuốn sách đã trình bày kết quả nghiên cứu về địa tầng phân tập trầm tích Kainozoi các bể Sông Hồng, Phú Khánh, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Tư Chính- Vũng Mây và địa tầng phân tập của trầm tích Đệ Tứ phần đất liền và dưới thềm lục địa Việt Nam theo hướng tiếp cận từ trầm tích luận trong mối quan hệ với sự thay đổi mực nước biển và chuyển động kiến tạo. Kết quả nghiên cứu của tác giả đã phát biểu một định nghĩa về địa tầng phân tập theo mối quan hệ giữa tướng trầm tích và sự thay đổi mực nước biển toàn cầu. Định nghĩa đó như một tư tưởng mới góp phần chính xác hóa việc phân chia địa tầng Đệ Tam và đối sánh địa tầng trầm tích Đệ Tứ giữa đồng bằng Bắc Bộ, các đồng bằng ven biển Miền Trung với đồng bằng Nam Bộ, giữa phần đất liền và phần ngập nước tiếp cận từ phân tích cộng sinh tướng.

……………………

1 bài báo có sự tham gia của tôi cùng với thầy khi đang là nghiên cứu viên địa chất

TRẦM TÍCH LUẬN HIỆN ĐẠI TRONG PHÂN TÍCH CÁC BỂ KAINOZOI
VÙNG BIỂN NƯỚC SÂU VIỆT NAM

TRẦN NGHI1, ĐINH XUÂN THÀNH2, TRẦN THỊ THANH NHÀN2, TRẦN HỮU THÂN1, PHẠM THỊ THU HẰNG1,
NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO1, NGUYỄN DUY TUẤN1, TRẦN THỊ DUNG2

1Trung tâm Nghiên cứu Biển và Đảo, Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội

 2Trường Đại học Khoa học tự Nhiên, 334 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội

Tóm tắt: Nghiên cứu trầm tích luận hiện đại trong phân tích các bể Kainozoi Nam Côn Sơn, Phú Khánh, Tư Chính – Vũng Mây, Trường Sa hiện tại đang ở trong vùng nước sâu (500-3000 m) là một hướng tiếp cận hệ thống và quan hệ nhân quả giữa tiến hóa trầm tích theo chu kỳ với sụt lún nhiệt không tách giãn theo chu kỳ:
1/ Theo cấu trúc thẳng đứng, các bể Kainozoi vùng nước sâu có thể chia ra  6 bể thứ cấp tương ứng với 6 phức tập (sequence*):
– Các bể thứ cấp Eocen-Oligocen sớm và Oligocen muộn: sụt lún nhiệt dạng tuyến kiểu địa hào nội lục.
– Các bể thứ cấp Miocen sớm, Miocen giữa, Miocen muộn: sụt lún nhiệt mở rộng có chu kỳ.
– Bể thứ cấp Pliocen – Đệ tứ: sụt lún nhiệt phân dị đơn nghiêng tạo nên thềm và sườn lục địa hiện đại được đặc trưng bởi các thành tạo lục nguyên: carbonat biển nông đến trầm tích lục nguyên, bùn vôi – silic, vụn núi lửa quạt ngầm turbidit biển sâu chân dốc sườn lục địa.

2/ Ranh giới các bể thứ cấp được xác định dựa trên các bề mặt gián đoạn trầm tích do ảnh hưởng của sự thay đổi mực nước biển và các pha kiến tạo nâng trồi bào mòn cắt xén tương đương với ranh giới các phức tập và cũng là ranh giới các chu kỳ trầm tích. Mỗi phức tập có thể chia ra được 3 miền hệ thống theo sự thay đổi mực nước biển: miền hệ thống biển thấp hay biển thoái thấp (LST), miền hệ thống biển tiến (HST) và miền hệ thống biển cao hay biển thoái cao (HST).
3/ Xác định được các công thức tướng đơn và tướng kép theo các miền hệ thống trầm tích là chìa khóa quan trọng để giải thích tại sao tại trung tâm các bể Nam Côn Sơn và Phú Khánh vẫn quan niệm là trầm tích biển sâu nhưng lại có bề dày lớn nhất (10-12 km) có cấu tạo nằm ngang song song đặc trưng cho môi trường biển nông. Điều đó được lý giải môi trường lắng đọng trầm tích luôn luôn có dòng chảy đáy tái vận chuyển và tái phân bố vật liệu trầm tích lục nguyên do sông mang tới. Vì vậy, trong mỗi lớp trầm tích đều chứa phức hệ tướng kép châu thổ và biển xen kẽ nhau: (amr + mr) hoặc (amt + mt).
4/ Phân tích các kiểu biến dạng các bể thứ cấp và phục hồi các mặt cắt trước khi thành lập các bản đồ tướng đá – cổ địa lý theo các miền hệ thống được coi là quy trình cơ bản có tính nguyên tắc trong nghiên cứu trầm tích luận hiện đại. Đó là cơ sở khoa học để xây dựng tiền đề đánh giá hệ thống dầu khí.
Please follow and like us:

Viết một bình luận